TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI CÔNG BINH: "MỞ ĐƯỜNG THẮNG LỢI"

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10











27 tháng 5, 2013

Kỷ vật về Nguyễn Xuân Luyến (quê xã Nam Quan, Nam Trực, Nam Định)

Nguồn: QĐND - Vốn có ý thức sưu tầm các loại kỷ vật kháng chiến từ nhiều năm qua nên Thượng tá Trần Ngọc (Chủ nhiệm Công binh Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh) đã có trong nhà khá nhiều hiện vật phong phú: Từ những mảnh đạn, mảnh bom Mỹ giội xuống Tây Ninh, các loại quân trang, quân dụng, những chiếc máy ảnh của phóng viên cho tới những tấm huân chương, những tấm thẻ bài bằng i-nox của lính Mỹ… 
Tấm giấy khen do cấp trên tặng Nguyễn Xuân Luyến năm 1968.
Ở ngoài vườn còn thấy anh trưng bày những hiện vật khác như: Cánh quạt máy bay, ống phóng DKZ, DKB, vỏ các loại đạn, bom… Vào tay chủ nhà, những loại vũ khí ấy đã không còn nguy hiểm mà trở thành những vật trang trí độc đáo. Trong số đó, có một kỷ vật được anh Ngọc cẩn thận lưu giữ trong két sắt, đó là bộ tài liệu của một người lính giải phóng tên là Nguyễn Xuân Luyến.

Chuyện là, vào tháng 3-2012, do có mối quen biết với những người chuyên dò tìm phế liệu trên vùng đất từng là chiến trường ác liệt, là nơi diễn ra trận càn Gian-xơn-xi-ty trong mùa khô 1966-1967, anh Ngọc đã có thông tin ngay sau khi người dân đào tìm được. Tới nơi thì chiếc thùng đạn đại liên-vật bảo quản và cất giữ tài liệu-đã bị bán, chỉ còn bên trong đó những tài liệu từng nằm sâu trong lòng đất hơn 40 năm. Đó là những cuốn sổ ghi chép công việc chuyên môn, những lá thư của gia đình và đồng đội, tấm giấy khen đề tên Nguyễn Xuân Luyến… đã được anh Ngọc mang về lưu giữ. Từ những thông tin có trong các kỷ vật, anh Ngọc đã xác định được chủ nhân là Nguyễn Xuân Luyến, quê xã Nam Quan, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định). Theo chức vụ ghi trong giấy khen thì vào thời điểm tháng 8-1968, Nguyễn Xuân Luyến là Đại đội trưởng, người ký giấy khen là Chính ủy Hoàng Minh Khanh.

Chúng tôi đã được Thượng tá Trần Ngọc cho xem hai cuốn sổ bìa ni-lông đen ghi chép các bộ mật mã sử dụng trong thông tin liên lạc; một tập thống kê quân số và khí tài của đơn vị trong năm 1969 với các phiên hiệu như: Phân đội VTD 2w, Z 8, Z 22; một cuốn sổ công tác ghi chép công việc và những điều cần ghi nhớ; một xấp thư từ của đồng đội; thư chúc mừng năm mới của đơn vị (Đoàn Pháo binh Biên Hòa, hòm thư: 86553 YK) gửi về gia đình nhân dịp đón Xuân Canh Tuất (1970); một lá thư Nguyễn Xuân Luyến viết cho người mẹ ở quê nhưng chưa kịp gửi. Ngoài ra, còn có một tập giấy ghi bài học và các quy định về công tác Đảng như: Mười nhiệm vụ đảng viên, Đạo đức cách mạng, Nguyên lý xây dựng Đảng, Công tác phát triển Đảng. Xen vào trong đó là những câu nói của nhân vật Pa-ven Coóc-sa-ghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”. Nguyễn Xuân Luyến còn có cả một tập vở tự học Đại số lớp 10 với những định nghĩa, bản vẽ đồ thị, đường tròn ngay ngắn và nắn nót. Cuốn vở được anh Luyến viết bằng bút chì, sau hàng chục năm mà các nét chì và đoạn gạch chân vẫn còn giữ nguyên những nét xanh, đỏ.

“Tôi đã đọc những lá thư đồng đội gửi tới Nguyễn Xuân Luyến và nhận thấy anh là một cán bộ được đồng đội rất tin tưởng, quý mến. Riêng cuốn vở tự học Đại số càng cho thấy anh không chỉ là người tận tâm trong công việc mà còn rất tích cực tự học tập, bổ túc kiến thức để thực hiện ước mơ sau ngày chiến thắng sẽ trở lại giảng đường đại học”, Thượng tá Trần Ngọc tâm sự.
Những trang tài liệu cách đây hơn 40 năm của Nguyễn Xuân Luyến.

Với mong muốn trao lại kỷ vật tới tay chủ nhân, Thượng tá Trần Ngọc đã liên hệ tới Bộ CHQS Nam Định để tìm giúp người chiến sĩ Giải phóng có tên Nguyễn Xuân Luyến theo địa chỉ ghi trong giấy khen. Từ đó tới nay, đã hơn một năm trôi qua, anh vẫn chưa nhận được hồi âm. Phải chăng Nguyễn Xuân Luyến đã hy sinh? Hay vì lý do nào đó mà anh đã rời quê, sinh sống ở nơi khác?

Người thân hoặc độc giả nào biết được thông tin về CCB Nguyễn Xuân Luyến (quê xã Nam Quan, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) xin liên hệ tới Thượng tá Trần Ngọc hoặc tác giả bài viết theo địa chỉ: Nguyễn Quốc Việt, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, điện thoại: 0983015273.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUỐC VIỆT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

XEM SLIDE ẢNH, NGHE NHẠC

                                                                                                           Xem tất cả Tại đây       

NGHE NHẠC THƯ GIÃN

ĐỘC TẤU ĐÀN BẦU 100 BÀI
100 CA KHÚC CÁCH MẠNG

Tìm kiếm nhanh

 
@ 2011All Rights Reserved.Template by Xml Blogger Templates
Thực hiện: Nguyễn Hữu Uyến *** Tp. Hà Nội, Việt Nam *** Liên hệ*** Email: nguyenhuuuyen@gmail.com